Trong xã hội Việt Nam hiện nay, xem tướng và học tướng là một hiện tượng văn hóa rất phổ cập. Thu hút một số tín đồ vô cùng đông đảo trong hầu hết mọi giai cấp. Số người hành nghề, tài tử cũng như chuyên nghiệp không phải ít. Số người đi xem lại càng đông hơn.
Nhưng, lại có rất ít người khảo cứu thâm sâu ngành tướng pháp. Cho nên ngành này vẫn còn bị dư luận xem như một môn học huyền bí. Ngộ nhận này sở dĩ có một phần là do những người hành nghề, vì mục đích quảng cáo, đã huyền bí hóa khoa bói toán, phần khác vì các sách hiện có chưa diễn xuất được quan niệm nhân bản và nền tảng thực nghiệm của tướng học. Tác phẩm tướng học hiện nay ở nước ta vừa ít ỏi, vừa đơn sơ, lại mang nặng tính cách hoang đường, hoặc quá thiên về phần thực hành, nặng về giai thọai mà bỏ phần lý thuyết băn bản, cho nên không xây dựng được một học thuyết vững chãi cho khoa nhân tướng.
Ngay từ buổi sơ khai, khoa này là một bộ môn nhân văn, bao trùm một lãnh vực vô cùng phong phú, có một nền tảng nhân bản và một phương pháp thực nghiệm hết sức rõ rệt.
Thật vậy, nhân tướng học Á đông đã tổng hợp tất cả bộ môn tâm lý học Tây Phương vào một mối. Tâm lý học Tây Phương khảo sát con người qua nhiều chuyên khoa riêng rẽ. Có học phái chuyên khảo ý thức và tiềm thức (conscience et subconscience), có học phái nghiên cứu tính tình (carratérologie), có học phái chuyên khảo tác phong (behaviorisme). Sự tồn tại song song của những chuyên khoa đó cho thấy nhân học Tây Phương phân tích con người nhiều hơn là tổng hợp con người. Một khảo hướng như thế không tránh nổi khuyết điểm phiến diện. Khoa tướng Á- đông nhập chung các lãnh vực nhân học làm một. Những nét tướng của khoa nhân học Á-đông đồng thời mang ý nghĩa tính tình lẫn tác phong.
Nhưng, tướng học Á-đông không dừng chân ở đó. Khoa này còn đào sâu cả địa hạt phú quý, bệnh tật, thọ yểu, sinh kế, nghề nghiệp. Ngòai con người, Đông Phương còn nghiên cứu cả đời người.
Mặt khác, tướng học Á đông còn tìm hiểu, qua nét tướng mỗi cá nhân, những chi tiết liên quan đến những người khác có liên hệ mật thiết với mình: đó là cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cái, bạn bè.
Sau cùng, sự giải đóan của tướng học Á-đông còn rộng rãi và táo bạo hơn hẳn khoa tâm lý Tây Phương. Từ nội tâm và liên hệ của con người, khoa tướng Á-đông tiên đóan luôn vận mạng, dám khẳng định cả sự thành bại, thịnh suy, xét cả quá khứ lẫn tương lai không dừng lại ở một giai đọan nào
Về mặt quan niệm, tướng học Á-đông không có gì thần bí. Khoa này lúc nào cũng hướng về con người và đời người làm đối tượng quan sát. Sự quan sát đó đặt nền tảng trên những nét tướng con người. Tính tình và vận số khám phá được không bao giờ được suy diễn từ thần linh hay từ những ý niệm trừu tượng. Đó là quan niệm hòan toàn nhân bản. Quan niệm này dựa trên định đề căn bản là: có ở bên trong ắt phải biểu lộ ra bên ngòai.
Vì thấm nhuần tinh thần nhân bản, khuynh hướng tướng học Á- đông coi trọng phần nhân định: cái tâm con người quyết định tương lai con người. Thuật xem tướng chung quy thu gọn vào thuật xem tâm. Nhân tướng học là một nhân tâm học. Nguyên tắc chỉ đạo này được diễn tả qua châm ngôn căn bản sau đây: "Tướng tự tâm sinh, tướng tùy tâm diệt ". Vốn coi nội tâm là chân tướng, cho nên phần tướng của hình hài chỉ là những yếu tố bề ngòai hướng dẫn người xem đi vào bề sâu của tâm hồn. Và chỉ khi nào khám phá được bản thể thâm sâu của con người thì mới đạt mục đích của Tây Phương. Đây là quy tắc duy nhất, bất di bất dịch của việc học tướng và của việc xem tướng...